Máy Thở CPAP Có Giúp Giảm Nguy Cơ Đột Quỵ Và Biến Chứng Tim Mạch Không?

Máy thở CPAP (Continuous Positive Airway Pressure) không chỉ là thiết bị điều trị nền tảng cho hội chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn (OSA), mà còn đang được quan tâm rộng rãi bởi khả năng tác động đến sức khỏe tim mạch lâu dài. Với việc OSA được xác định là một yếu tố nguy cơ độc lập đối với đột quỵ và nhiều biến chứng tim mạch khác như tăng huyết áp, rung nhĩ và suy tim, câu hỏi đặt ra là: Liệu việc điều trị OSA bằng máy thở CPAP có thực sự giúp giảm nguy cơ đột quỵ và các biến cố tim mạch nghiêm trọng không?

Hãy cùng CPAPVN tìm hiểu về chủ đề này nhé.

Mối Liên Hệ Giữa OSA và Bệnh Tim Mạch

OSA không chỉ đơn thuần là một rối loạn giấc ngủ, mà là một yếu tố nguy cơ sinh lý – bệnh lý có ảnh hưởng sâu rộng đến toàn bộ hệ tim mạch. Mỗi lần ngưng thở trong OSA kéo dài từ 10 giây đến vài chục giây, khiến cho cơ thể lặp đi lặp lại tình trạng thiếu oxy (hypoxia)tái oxy hóa (reoxygenation) – một dạng “stress oxy hóa” liên tục, làm khởi phát một loạt phản ứng sinh học bất lợi.

1. Tăng Hoạt Động Hệ Giao Cảm Và Gây Tăng Huyết Áp

Khi oxy trong máu giảm, cơ thể phản ứng bằng cách kích hoạt hệ thần kinh giao cảm, giải phóng các hormone như adrenalinenoradrenaline. Điều này làm co mạch máu ngoại vi, tăng nhịp tim, tăng sức cản mạch máu toàn thân và dẫn đến tăng huyết áp tạm thời vào ban đêm. Theo thời gian, hiện tượng này diễn ra liên tục mỗi đêm sẽ dẫn đến tăng huyết áp mãn tính, kể cả vào ban ngày.

Một nghiên cứu từ Wisconsin Sleep Cohort Study (2000) cho thấy: Những người có chỉ số AHI > 15 lần/ngủ/giờ có nguy cơ tăng huyết áp cao hơn 2.89 lần so với người không mắc OSA [1]

2. Tổn Thương Nội Mô Mạch Máu Và Gây Xơ Vữa Động Mạch

Nội mô là lớp tế bào lót bên trong mạch máu, đóng vai trò quan trọng trong điều hòa huyết áp, chống viêm, ngăn ngừa hình thành cục máu đông. Khi thiếu oxy và bị kích hoạt bởi các chất oxy hóa, nội mô bị tổn thương, mất khả năng sản xuất NO (nitric oxide) – một chất giúp giãn mạch. Kết quả là rối loạn chức năng nội mô, dẫn đến xơ vữa động mạch, tăng độ kết dính tiểu cầu, làm tăng nguy cơ tắc nghẽn mạch máu – yếu tố then chốt gây nhồi máu cơ timđột quỵ.

Một nghiên cứu công bố trên American Journal of Respiratory and Critical Care Medicine (2004) cho thấy: bệnh nhân OSA có mức chất đánh dấu viêm mạch máu CRP cao hơn đáng kể và rối loạn chức năng nội mô rõ rệt so với người không bị OSA. [2]

3. Rối Loạn Nhịp Tim Do Biến Động Oxy Và Áp Suất Ngực

Mỗi đợt ngưng thở không chỉ gây giảm oxy mà còn làm thay đổi áp lực trong lồng ngực do cố gắng hô hấp trong tình trạng tắc nghẽn. Sự thay đổi này làm tăng gánh nặng cơ học lên tâm nhĩ và tâm thất, tạo điều kiện cho các rối loạn điện học tim. Ngoài ra, sự kích hoạt hệ giao cảm quá mức dẫn đến các cơn co thắt mạch vành, rung nhĩ, nhịp nhanh thất, thậm chí ngừng tim đột ngột.

Một nghiên cứu từ Tạp chí Y học Việt Nam – Viet Nam Medical Journal phát hiện: Kết quả cho thấy tỷ lệ mắc OSA ở bệnh nhân rung nhĩ không do bệnh van tim là 74,6%. Trong đó, 29,4% trường hợp là OSA nhẹ, 23% là OSA trung bình và 22,2% là OSA nặng. [3]

4. Gia Tăng Nguy Cơ Đột Quỵ

Đột quỵ xảy ra khi một phần não không được cung cấp máu – có thể do huyết khối hoặc xuất huyết mạch máu. Ở người bị OSA, tăng huyết áp ban đêm, xơ vữa động mạch cảnh, tăng đông máu, và rối loạn nhịp tim đều là yếu tố nguy cơ hàng đầu của đột quỵ. Đặc biệt nguy hiểm là khi các yếu tố này xảy ra âm thầm trong giấc ngủ, khiến nhiều người không biết mình đang có nguy cơ.

Một nghiên cứu tổng quan hệ thống (meta-analysis) năm 2016 cho thấy OSA làm tăng gấp đôi nguy cơ đột quỵ so với nhóm không có OSA. Việc điều trị bằng máy thở CPAP giúp giảm đáng kể nguy cơ này [4]

Hiệu Quả Của Máy Thở CPAP Trong Việc Giảm Nguy Cơ Tim Mạch

Việc sử dụng máy thở CPAP đã được chứng minh có tác dụng tích cực đối với sức khỏe tim mạch. 1 bài nghiên cứu tổng hợp được đăng trên Journal of Clinical Sleep Medicine vào năm 2023 đã tổng hợp được 11 bài nghiên cứu (5 thử nghiệm có đối chứng ngẫu nhiên và 6 nghiên cứu quan sát) với 5.410 bệnh nhân đã báo cáo kết quả.

Kết quả chỉ ra rằng việc sử dụng máy thở CPAP làm giảm đáng kể nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân và tim mạch là 23%. Thời gian tuân thủ việc sử dụng máy thở CPAP ≥ 4 giờ/đêm có lợi ích lớn hơn đối với bệnh nhân mắc các biến cố tim mạch lớn như suy tim, hội chứng mạch vành cấp hay loạn nhịp tim là 42% và tái thông mạch máu là 44% [5]

Khi được sử dụng đúng cách và đều đặn, máy thở CPAP giúp duy trì đường thở luôn mở trong suốt giấc ngủ, ngăn chặn các đợt ngưng thở lặp đi lặp lại – vốn là yếu tố gây kích hoạt hệ thần kinh giao cảm, dẫn đến tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim và gia tăng stress oxy hóa. Những thay đổi sinh lý này, nếu kéo dài, sẽ làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch, rối loạn chức năng nội mô mạch máu – từ đó làm tăng khả năng xảy ra đột quỵ và các biến cố tim mạch như nhồi máu cơ tim, rung nhĩ và suy tim.

Các nghiên cứu lâm sàng đã chỉ ra rằng, việc điều trị OSA bằng máy thở CPAP có thể giúp giảm đáng kể huyết áp ban đêm – một yếu tố nguy cơ then chốt dẫn đến đột quỵ và tổn thương tim mạch. Đồng thời, nhiều bằng chứng còn cho thấy bệnh nhân sử dụng máy thở CPAP thường xuyên có tỷ lệ mắc mới các biến cố tim mạch thấp hơn so với những người không điều trị hoặc điều trị không tuân thủ.

Nói cách khác, máy thở CPAP không chỉ là một phương tiện cải thiện chất lượng giấc ngủ, mà còn là một công cụ phòng ngừa hiệu quả đối với các biến chứng nghiêm trọng liên quan đến hệ tim mạch, đặc biệt là ở nhóm bệnh nhân có nguy cơ cao.

PHÒNG KHÁM TẦM SOÁT GIẤC NGỦ SLEEPFI

MÁY THỞ CPAP | CPAP.VN

Kết Luận

Máy thở CPAP có tiềm năng giúp giảm nguy cơ đột quỵ và các biến chứng tim mạch ở bệnh nhân mắc OSA, đặc biệt khi họ tuân thủ điều trị đúng cách. Tuy nhiên, hiệu quả cụ thể có thể khác nhau giữa các cá nhân và cần được nghiên cứu thêm. Việc chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời OSA, cùng với việc tuân thủ điều trị với máu thở CPAP, đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu nguy cơ tim mạch liên quan.

NGUỒN THAM KHẢO

[1] https://sleepcohort.wisc.edu/wp-content/uploads/sites/1452/2020/10/htn_prospective.pdf

[2] https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/14644930/

[3] https://tapchiyhocvietnam.vn/index.php/vmj/article/view/13457

[4] https://journals.plos.org/plosone/article?id=10.1371/journal.pone.0146317

[5] https://jcsm.aasm.org/doi/abs/10.5664/jcsm.10740

Danh mục