Điều Trị Ngưng Thở Khi Ngủ Bằng Máy Thở CPAP: Giải Pháp Tối Ưu Kiểm Soát Huyết Áp

Máy thở CPAP không chỉ là thiết bị cứu cánh cho những người mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ, mà còn đang nổi lên như một giải pháp hỗ trợ kiểm soát huyết áp hiệu quả, đặc biệt trong các trường hợp tăng huyết áp về đêm hoặc tăng huyết áp kháng trị. Ngày càng nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng việc điều trị ngưng thở khi ngủ bằng CPAP không chỉ cải thiện chất lượng giấc ngủ mà còn góp phần giảm nguy cơ tim mạch, đột quỵ thông qua việc ổn định huyết áp trong suốt 24 giờ.

Ngưng Thở Khi Ngủ & Mối Liên Hệ Chặt Chẽ Với Tăng Huyết Áp

1. Ngưng thở khi ngủ là gì?

Ngưng thở khi ngủ (OSA) xảy ra khi đường thở trên bị tắc nghẽn một phần hoặc hoàn toàn trong khi ngủ, dẫn đến ngừng thở tạm thời (kéo dài từ 10 giây đến hơn 1 phút). Những đợt ngưng thở này có thể lặp lại hàng chục, thậm chí hàng trăm lần mỗi đêm, gây gián đoạn giấc ngủ và giảm oxy máu.

Theo ước tính, cứ 15 người lớn và 6% thanh thiếu niên ở Hoa Kỳ hiện nay thì có 1 người mắc chứng OSA, có một số báo cáo cho thấy tình trạng này có liên quan đến các biến chứng tim mạch bất lợi, chẳng hạn như huyết áp cao , lão hóa mạch máu nhanh và đột quỵ.

Trên thực tế, các nhà nghiên cứu lưu ý rằng gần 50% bệnh nhân mắc OSA bị tăng huyết áp và 37 – 56% bệnh nhân bị tăng huyết áp có mắc OSA đồng thời.

Đặc biệt, tình trạng này góp phần gây nên huyết áp cao khó kiểm soát – một dạng huyết áp không đáp ứng tốt với các thuốc điều trị thông thường. Điều này lý giải vì sao việc kiểm soát ngưng thở khi ngủ đóng vai trò rất quan trọng trong việc quản lý huyết áp một cách hiệu quả.

2. Tại sao ngưng thở khi ngủ gây tăng huyết áp?
  • Giảm nồng độ oxy trong máu: Sự tắc nghẽn đường thở khiến phổi không nhận đủ không khí, dẫn đến tình trạng thiếu oxy trong máu (hypoxia). Bộ não sẽ phát tín hiệu cảnh báo, khiến cơ thể thức giấc đột ngột để khôi phục nhịp thở, gây ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ.
  • Gia tăng hoạt động của hệ thần kinh giao cảm: Sự thiếu oxy kích thích hệ thần kinh giao cảm, làm tăng tiết hormone căng thẳng như adrenaline và cortisol. Những hormone này làm co mạch máu và đẩy huyết áp lên cao.
  • Rối loạn điều hòa huyết áp: Ở người bình thường, huyết áp có xu hướng giảm vào ban đêm để hệ tim mạch được nghỉ ngơi. Tuy nhiên, ở những người mắc ngưng thở khi ngủ, huyết áp có thể dao động bất thường, mất đi cơ chế điều hòa tự nhiên.
  • Gây viêm nhiễm và tổn thương nội mạc mạch máu: Thiếu oxy kéo dài có thể làm tổn thương lớp nội mạc mạch máu, làm giảm khả năng giãn nở của động mạch, góp phần vào tình trạng cao huyết áp mạn tính.

Máy thở CPAP là gì?

Máy thở CPAP (Continuous Positive Airway Pressure) là thiết bị hỗ trợ hô hấp hoạt động bằng cách duy trì áp suất dương liên tục trong đường thở khi người bệnh ngủ. Máy hoạt động nhờ một máy nén khí nhỏ, cung cấp luồng không khí áp lực qua mặt nạ đeo trên mũi hoặc miệng, giúp giữ cho đường hô hấp luôn mở, từ đó ngăn chặn các cơn ngưng thở.

Đây là phương pháp điều trị tiêu chuẩn vàng hiện nay cho ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn, được sử dụng phổ biến và mang lại hiệu quả rõ rệt chỉ sau một thời gian ngắn sử dụng đều đặn.

Tác động của máy thở CPAP đến huyết áp

1. Giảm huyết áp ở bệnh nhân OSA nặng

Một nghiên cứu được đăng trên Pulmonogy Advisor vào năm 2023, tổ chức trên 130 bệnh nhân OSA nặng và tăng huyết áp chưa điều trị cho thấy sau 4 tuần sử dụng CPAP trung bình 6,2 giờ mỗi đêm, huyết áp tâm thu giảm 3,8 mmHg và huyết áp tâm trương giảm 2,6 mmHg. Huyết áp khi ngủ giảm mạnh hơn: huyết áp tâm thu giảm 5,5 mmHg và huyết áp tâm trương giảm 3,0 mmHg.

Các nhà nghiên cứu phát hiện thấy kiểm soát huyết áp tối ưu đã đạt được ở 60% những bệnh nhân này và hơn 83% đạt được mức huyết áp dưới 140/90 mmHg sau 24 tháng điều trị bằng CPAP. [1]

2. CPAP giúp kiểm soát huyết áp kháng trị

Một báo cáo được đăng trên trang Springer Natural Link vào năm 2024, tổng hợp trên 12 thử nghiệm với 718 bệnh nhân OSA và tăng huyết áp kháng trị cho thấy việc sử dụng máy thở CPAP giúp giảm huyết áp tâm thu trung bình 4,8 mmHg và huyết áp tâm trương 2,6 mmHg.

Việc sử dụng máy thở CPAP đều đặn và lâu dài mang lại hiệu quả rõ rệt trong việc cản thiện chỉ số huyết áp ở những bệnh nhân mắc OSA và tăng huyết áp kháng trị. Việc cải thiện này được ghi nhận cả trong thời gian ngắn (< 3 tháng) và trong thời gian dài (> 3 tháng) [2]

3. Tác động nhanh chóng trong 3 tháng

Một nghiên cứu được công bố bởi Hiệp hội Giấc ngủ Hoa Kỳ (AASM) cho thấy sau 3 tháng tuân thủ điều trị bằng  máy thở CPAP tối thiểu 4h mỗi đêm, những bệnh nhân OSA có sự giảm đáng kể huyết áp tâm thu và tâm trương. Điều trị ngưng thở khi ngủ thành công cũng liên quan đến việc giảm trương lực mạch máu và độ cứng động mạch. Tuy nhiên sau một tuần ngừng điều trị, những cải thiện này biến mất và trở lại giá trị ban đầu.

Nhà nghiên cứu chính Claudia Korcarz, DVM, RDCS, quản lý và nhà khoa học cao cấp tại Chương trình nghiên cứu hình ảnh xơ vữa động mạch của Đại học Wisconsin (UW AIRP) tại Madison cho biết cho biết: “Việc chẩn đoán và điều trị sớm bằng liệu pháp CPAP được theo dõi chặt chẽ và liên tục ở những người trẻ tuổi khỏe mạnh mắc chứng ngưng thở khi ngủ tắc nghẽn từ trung bình đến nặng có thể ngăn ngừa tình trạng tăng huyết áp trong tương lai và giảm nguy cơ biến chứng tim mạch liên quan đến bệnh này”. [3]

4. CPAP hiệu quả ngay cả khi đang dùng thuốc huyết áp

Một nghiên cứu trên Tạp chí Giấc ngủ Lâm sàng (Journal of Clinical Sleep Medicine) cho thấy việc sử dụng máy thở CPAP có tác dụng hỗ trợ trong việc kiểm soát huyết áp, ngay cả khi bệnh nhân đang sử dụng 3-4 loại thuốc hạ huyết áp.Điều này cho thấy CPAP có thể là lựa chọn hiệu quả hơn so với việc thêm thuốc thứ 4 hoặc 5 trong điều trị tăng huyết áp kháng trị. [4]

MÁY THỞ CPAP | CPAPVN

Lợi ích toàn diện khi sử dụng máy thở CPAP

Ngoài việc giúp kiểm soát huyết áp hiệu quả, máy thở CPAP còn mang lại nhiều lợi ích sức khỏe khác:

  • Cải thiện năng lượng và sự tỉnh táo ban ngày

Khi giấc ngủ được duy trì ổn định, người dùng máy thở CPAP sẽ cảm thấy ít mệt mỏi, ít buồn ngủ vào ban ngày, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống và hiệu suất làm việc.

  • Giảm nguy cơ bệnh tim mạch

Việc sử dụng máy thở CPAP lâu dài có thể làm giảm nguy cơ đau tim, đột quỵ, suy tim – đặc biệt ở những người đã có sẵn yếu tố nguy cơ tim mạch.

  • Giảm biến chứng tiểu đường

Một số nghiên cứu cho thấy việc điều trị ngưng thở khi ngủ bằng máy thở CPAP giúp cải thiện độ nhạy insulin, hỗ trợ kiểm soát đường huyết hiệu quả hơn.

  • Tăng cường trí nhớ và khả năng tập trung

Giấc ngủ liên tục không bị gián đoạn giúp phục hồi chức năng não bộ, đặc biệt ở người cao tuổi, từ đó ngăn ngừa nguy cơ suy giảm nhận thức.

Kết luận

Máy thở CPAP không chỉ là phương pháp điều trị hiệu quả cho hội chứng ngưng thở khi ngủ, mà còn là một công cụ quan trọng trong kiểm soát huyết áp – đặc biệt là ở những bệnh nhân có tăng huyết áp khó kiểm soát. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng việc sử dụng CPAP đều đặn giúp giảm đáng kể huyết áp ban đêm, góp phần làm giảm nguy cơ biến chứng tim mạch lâu dài. Việc đưa CPAP vào phác đồ điều trị huyết áp ở bệnh nhân OSA nên được xem xét nghiêm túc.

NGUỒN THAM KHẢO

[1] https://www.pulmonologyadvisor.com/news/cpap-lowers-blood-pressure-in-select-patients-with-severe-osa-and-hypertension/

[2] https://link.springer.com/article/10.1007/s11906-024-01294-4

[3] https://aasm.org/cpap-rapidly-improves-blood-pressure-and-arterial-tone-in-adults-with-sleep-apnea/

[4] https://jcsm.aasm.org/doi/pdf/10.5664/jcsm.3554

 

Danh mục