Ngưng thở khi ngủ và đột quỵ: Nguy hiểm tiềm tàng

Ngưng thở khi ngủ là một rối loạn giấc ngủ phổ biến nhưng thường bị bỏ qua. Rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng ngưng thở khi ngủ có mối liên hệ mật thiết với đột quỵ. Và đặc biệt hơn là tình trạng sau đột quỵ. Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu về ngưng thở khi ngủ và đột quỵ, cách nó ảnh hưởng đến sức khỏe và mối liên hệ với đột quỵ.

Ngưng thở khi ngủ (OSA – Obstructive Sleep Apnea) là một rối loạn giấc ngủ thường gặp, xảy ra khi hô hấp của người bệnh bị gián đoạn nhiều lần trong khi ngủ. Điều này dẫn đến giảm oxy trong máu, làm gián đoạn giấc ngủ, gây mệt mỏi và các vấn đề sức khỏe khác . Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống mà còn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nghiêm trọng, bao gồm đột quỵ.

Nguy Cơ Đột Quỵ Liên Quan Đến Ngưng Thở Khi Ngủ

Một nghiên cứu lớn được công bố trên tạp chí Stroke cho thấy rằng người bị ngưng thở khi ngủ có nguy cơ đột quỵ cao gấp 2-3 lần so với người không bị. Ngoài ra, một nghiên cứu khác của American Journal of Respiratory and Critical Care Medicine cũng xác nhận rằng nguy cơ đột quỵ tăng lên đáng kể ở những người có OSA nghiêm trọng.

Mặc dù ≈71% bệnh nhân đột quỵ và cơn thiếu máu não thoáng qua có OSA, nhưng nhiều bệnh nhân trong số này không được chẩn đoán và do đó không được điều trị. OSA sau đột quỵ không được điều trị có liên quan đến khả năng phục hồi sau đột quỵ kém hơn, giảm chất lượng cuộc sống, rối loạn chức năng nhận thức và có liên quan đến thời gian nằm viện lâu hơn. Hơn nữa, OSA sau đột quỵ là một yếu tố dự báo tiêu cực về tỷ lệ tử vong do mọi nguyên nhân và các biến cố mạch máu tái phát.

Đột quỵ, hay còn gọi là tai biến mạch máu não, xảy ra khi cung cấp máu lên não bị gián đoạn, dẫn đến tổn thương tế bào não. Các cơ chế dẫn đến tăng nguy cơ đột quỵ ở người bị ngưng thở khi ngủ bao gồm:

1. Thiếu Oxy Máu

Ngưng thở khi ngủ gây ra các đợt thiếu oxy máu (hypoxemia) kéo dài dẫn đến tổn thương mạch máu và tăng nguy cơ hình thành cục máu đông, một yếu tố nguy cơ chính gây đột quỵ.

2. Tăng Huyết Áp

Ngưng thở khi ngủ liên quan mật thiết đến tăng huyết áp, một nguyên nhân chính khác của đột quỵ. Khi đường thở bị tắc, cơ thể phải cố gắng để hít thở, dẫn đến tăng áp lực trong lồng ngực và cuối cùng là tăng huyết áp. Khi huyết áp tăng cao, áp lực lên các mạch máu trong não tăng lên, dễ dẫn đến vỡ mạch hoặc tắc mạch. Tăng huyết áp là một trong những yếu tố nguy cơ chính gây đột quỵ.

3. Rối Loạn Nhịp Tim

Ngưng thở khi ngủ có thể gây ra các rối loạn nhịp tim, như rung nhĩ (atrial fibrillation). Rung nhĩ làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông trong tim, và nếu cục máu đông này di chuyển đến não, nó có thể gây đột quỵ.

4. Viêm và Tổn Thương Mạch Máu

Thiếu oxy máu và các đợt ngừng thở làm tăng mức độ viêm trong cơ thể. Viêm kéo dài có thể gây tổn thương mạch máu, dẫn đến xơ vữa động mạch và tăng nguy cơ đột quỵ.

Xác định và Chẩn đoán sớm Ngưng thở khi ngủ

Chứng ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ có những triệu chứng rất điển hình mà bạn hoặc người thân có thể nhận biết được trong lúc ngủ hoặc tình trạng sức khỏe ban ngày như:

  • Ngáy to
  • Những cơn ngừng trong khi ngủ (thường được người khác nhận ra)
  • Thức dậy với cảm giác khô miệng hoặc đau họng
  • Mệt mỏi, buồn ngủ quá mức vào ban ngày
  • Khó tập trung và trí nhớ kém

 

Nếu bạn nhận thấy người nhà bạn có những dấu hiệu đặc trưng như trên, hãy đi khám ngay để được chẩn đoán chính xác về hội chứng này.

Để chẩn đoán OSA, bác sĩ thường sử dụng các phương pháp sau:

 

  • Polysomnography (PSG): Đây là tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán OSA. PSG là một xét nghiệm giấc ngủ toàn diện được thực hiện trong phòng đo giấc ngủ, đo lường các thông số như nồng độ oxy, nhịp tim, sóng não và các chuyển động cơ thể trong suốt giấc ngủ.
  • Home Sleep Apnea Test (HSAT): Là phương pháp chẩn đoán tại nhà, tiện lợi hơn. Tuy kết quả không được chi tiết bằng PSG nhưng cũng đủ để bác sĩ có thể chẩn đoán được chứng ngưng thở khi ngủ này. HSAT chủ yếu đo nồng độ oxy, nhịp thở và nhịp tim.

 

Điều trị OSA

Thay Đổi Lối Sống
  1. Giảm Cân: Duy trì cân nặng hợp lý để giảm áp lực lên đường thở.
  2. Tránh Rượu và Thuốc An Thần: Hạn chế sử dụng các chất gây giãn cơ.
  3. Tập Thể Dục Thường Xuyên: Tăng cường sức khỏe tổng thể và cải thiện giấc ngủ.
  4. Điều Chỉnh Tư Thế Ngủ: Ngủ nghiêng thay vì nằm ngửa để giảm nguy cơ tắc nghẽn đường thở.
  5. Hạn Chế Hút Thuốc: Giảm nguy cơ viêm và tích tụ dịch trong đường thở trên.
Sử Dụng Thiết Bị Hỗ Trợ
  1. Máy CPAP (Continuous Positive Airway Pressure): Thiết bị này cung cấp áp lực dương liên tục để giữ đường thở luôn mở trong lúc ngủ. CPAP là tiêu chuẩn vàng để điều trị OSA và cũng là phương pháp điều trị phổ biến và hiệu quả nhất.
  2. Thiết Bị Chỉnh Hình Miệng: Thiết bị này giúp duy trì vị trí hàm và lưỡi để đường thở không bị tắc nghẽn. Chúng thích hợp cho các trường hợp OSA nhẹ đến trung bình.

 

Kết Luận

Quản lý lối sống và tuân thủ liệu pháp điều trị là chìa khóa để cải thiện chất lượng cuộc sống và giảm nguy cơ các biến chứng nguy hiểm.

 

Nếu bạn hoặc người thân có dấu hiệu của ngưng thở khi ngủ, hãy tìm kiếm sự tư vấn y tế ở những nơi uy tín để có phương án điều trị phù hợp.

Phòng khám SleepFi luôn đồng hành cùng bạn trên hành trình chăm sóc và bảo vệ sức khỏe.