Trong thế giới bận rộn và áp lực công việc hiện nay, việc có một giấc ngủ và chất lượng không chỉ là một phần quan trọng của sức khỏe mà còn là yếu tối quyết định đến chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, có một vấn đề nguy hiểm thường bị bỏ qua, đó là ngưng thở khi ngủ, chứng bệnh có thể đẩy nguy cơ tử vong lên cao.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO – World Health Organization) ước tính cho thấy khoảng 936 triệu (chiếm 17%) người trưởng thành trong độ tuổi 30-70 trên thế giới mắc hội chứng ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ (OSA), tại Việt Nam tỷ lệ này là 8,5%. Nếu không được điều trị đúng cách, có thể làm tăng nguy cơ tử vong lên gấp 3 lần so với những người không mắc bệnh.
Yếu tố nguy cơ gây ra ngưng thở khi ngủ
Ngưng thở khi ngủ là một vấn đề y tế nghiêm trọng có thể gây ra nhiều vấn đề sức khoẻ và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Việc nhận biết các yếu tố nguy cơ gây ra ngưng thở khi ngủ là một phần quan trọng trong công việc chăm sóc sức khoẻ của bạn và người thân.
- Thừa cân/ béo phì: một yếu tố tăng 3 lần nguy cơ gây ra ngưng thở khi ngủ. Sự tích tụ mô mỡ xung quanh vùng cổ và họng có thể làm hẹp đường thở, gây cản trở cho việc hô hấp và làm tăng nguy cơ mắc cái bệnh lý khác.
- Cấu trúc vùng hầu họng: thường xảy ra ở những người có cơ địa hoặc vấn đề về cấu trúc vùng hầu họng gây hẹp đường thở hoặc bị co lại trong khi ngủ, điều này có thể tạo ra một không gian hô hấp hẹp hơn bình thường và dễ dàng gây ra ngưng thở khi ngủ.
- Tuổi: là một trong những nguy cơ, sẽ tăng dần ở độ tuổi từ 60 đến 70 tuổi. Vì khi già đi, cơ bắp trở nên yếu và mất tính linh hoạt, đặc biệt là cơ hầu họng. Điều này làm tăng nguy cơ ngưng thở khi ngủ ở người cao tuổi.
- Lối sống: Một số thói quen sống như hút thuốc, tiêu thụ thức uống có cồn quá mức hoặc việc sử dụng một số loại thuốc cũng có thể làm tăng nguy cơ ngưng thở khi ngủ. Những hành vi này có thể làm tăng cả trọng lượng cơ thể gây ra sự cản trở trong quá trình hô hấp.
- Di truyền: Nếu trong gia đình có người mắc chứng ngưng thở khi ngủ sẽ làm tăng gấp 2 lần nguy cơ mắc chứng này so với người không có tiền sử di truyền.
Tác động của ngưng thở khi ngủ đối với sức khỏe
Hội chứng ngưng thở khi ngủ được phân loại thành hai loại chính: ngưng thở tắc nghẽn (OSA) và ngưng thở trung ương (CSA), trong đó ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ phổ biến và cũng là chứng bệnh tác động chính và ảnh hưởng nhiều đối với sức khoẻ.
- Mệt mỏi buồn ngủ ban ngày và chức năng nhận thức bị ảnh hưởng: những người mắc hội chứng có thể gặp khó khăn trong việc tập trung, vấn đề về trí nhớ, cáu kỉnh và giảm năng suất làm việc, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
- Sức khoẻ tim mạch: mối liên hệ mạnh mẽ với các vấn đề tim mạch như huyết áp cao, nhịp tim không đều, bệnh tim. Việc giảm oxy trong máu liên tục và sự căng thẳng tăng lên trên hệ tim mạch trong những cơn ngưng thở có thể dẫn đến cao huyết áp và gây áp lực lên tim.
- Rối loạn chuyển hoá: việc giấc ngủ bị gián đoạn sẽ làm thay đổi hormone ảnh hưởng đến sự chuyển hoá glucose và hoạt động của insulun tăng nguy cơ mắc tiểu đường và béo phì.
- Tâm lý: sự mất ngủ kéo dài và thiếu oxy có thể làm gián đoạn chức năng dẫn truyền thần kinh và góp phần vào các rối loạn tâm thần bao gồm trầm cảm và rối loạn lo âu.
Mối liên hệ giữa ngưng thở khi ngủ và nguy cơ tử vong
Chứng ngưng thở khi ngủ có thể gây nguy cơ tử vong cao do những tác động trực tiếp đến vấn đề sức khoẻ, đặc biệt ở những bệnh nhân có những bệnh lý đi kèm
- Tim mạch: OSA được liên kết chặt chẽ với các vấn đề tim mạch như nhồi máu Jcơ tim và nhịp tim không ổn định. Sự gián đoạn hô hấp có thể làm tăng áp lực cho tim, dẫn đến các biến chứng tim mạch nghiêm trọng.
- Đột quỵ: sự giảm oxy trong máu do các cơn ngưng thở có thể gây ra các cục máu đông hoặc thiếu máu não sẽ gây nguy cơ tai biến mạch máu não, nguy hJiểm hơn sẽ dẫn đến đột quỵ và tử vong.
- An toàn giao thông: tình trạng mất ngủ ban ngày do ngủ không sâu và không đủ giấc, sẽ dẫn đến sự mệt mỏi và mất tập trung có thể dẫn đến tai nạn giao thông do ngủ gật, làm tăng nguy cơ tử vong và gây nguy hiểm cho bản thân và người khác.
Phương pháp điều trị ngưng thở khi ngủ
Có nhiều phương pháp điều trị khác nhau cho hội chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn. Bác sĩ thường đề xuất kế hoạch điều trị dựa trên mức độ nghiêm trọng của bệnh, thời gian bạn gặp triệu chứng và mức độ nặng nhẹ của chúng.
Theo Hội Y học Giấc ngủ Hoa Kỳ (AASM – American Academy of Sleep Medicine), phương pháp điều trị chính là thở máy áp lực dương CPAP. Máy cung cấp một luồng không khí ổn định và nhẹ nhàng, giữ đường hô hấp thông thoáng suốt đêm. Nó được coi là “tiêu chuẩn vàng” trong điều trị OSA.
Ngoài ra, bạn có thể kết hợp nhiều phương pháp với nhau để tăng hiệu quả điều trị. Dưới đây là một số phương pháp phổ biến:
- Dụng cụ răng hàm: dụng cụ này giúp giữ đường hô hấp mở ra bằng cách di chuyển hàm và lưỡi trong khi bạn ngủ. Đây là lựa chọn phổ biến cho những người không thể thích nghi với việc sử dụng máy CPAP.
- Phẫu thuật vùng hầu họng: phẫu thuật có thể giảm hoặc loại bỏ mô thừa trong cổ họng, mở rộng đường hô hấp. Các phương pháp phổ biến nhất để giảm hoặc loại bỏ mô thừa trong vùng cổ họng khi bị xẹp xuống và gây ra sự cản trở đường thở khi bạn ngủ. Hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa giấc ngủ để tìm ra loại phẫu thuật phù hợp với tình trạng của bạn.
- Kiểm soát cân nặng: giảm cân giúp cải thiện hoặc loại bỏ triệu chứng ngưng thở khi ngủ, đặc biệt đối với những người có cân nặng quá mức. Những người có cân nặng thường có cổ dày và tích tụ nhiều mô trong cổ họng, điều này có thể gây ra sự cản trở đường hô hấp.
- Thay đổi tư thế ngủ: thay đổi tư thế ngủ có thể giúp giảm triệu chứng, nhưng cần sự thích ứng và kiên nhẫn. Phương pháp tư thế có thể bao gồm việc đeo một thiết bị xung quanh vùng eo hoặc lưng để giữ cho bạn ngủ ở tư thế nghiêng.
- Thay đổi lối sống: có thể thay đổi lối sống bằng cách giảm hút thuốc, hạn chế đồ uống có cồn và điều trị các vấn đề dị ứng khác.
Hãy tầm soát ngưng thở khi ngủ ngay, nếu bạn nghi ngờ rằng mình mắc hội chứng OSA, hãy gặp bác sĩ chuyên khoa giấc ngủ để được thăm khám và điều trị kịp thời