Ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ – Chứng rối loạn giấc ngủ phổ biến nhất nhưng lại ít người biết tới. Chứng ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ thường xảy ra ở người lớn, đặc biệt là ở độ tuổi trung niên. Nhưng ít có ai biết được rằng ngưng thở khi ngủ vẫn có thể mắc ở lứa tuổi trẻ em. Những bậc cha mẹ chỉ biết tới khi họ theo dõi và quan sát hơi thở của trẻ khi ngủ.
Ngưng thở tắc nghẽn ở trẻ
Chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn là phổ biến và ảnh hưởng đến khoảng 1-5% trẻ em, trong khi chứng ngáy có thể gặp ở 4-12% trẻ, đặc biệt là ở trẻ 2-6 tuổi.
Ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn ở trẻ em và người lớn có sự khác biệt. Trong khi người lớn thường buồn ngủ ban ngày thì trẻ em lại dễ gặp vấn đề về hành vi hơn. Nguyên nhân ở người lớn thường là béo phì, còn ở trẻ em thường do phì đại VA hoặc amidan.
Chẩn đoán và điều trị sớm là rất quan trọng để ngăn ngừa các biến chứng có thể ảnh hưởng đến sự tăng trưởng, phát triển nhận thức và hành vi của trẻ. Nếu con bạn phát ra tiếng ồn khi thở khi ngủ hoặc ngáy trở nên rõ ràng, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ.
Triệu chứng ngưng thở khi ngủ ở trẻ
Các dấu hiệu ngưng thở khi ngủ có thể được quan sát thấy trong khi trẻ ngủ, trong khi một số triệu chứng có thể biểu hiện vào ban ngày như:
- Thành tích học tập kém
- Thiếu tập trung ở trường
- Đau đầu vào buổi sáng
- Tăng động, giảm chú ý
- Sụt cân, chậm phát triển chiều cao
Các triệu chứng khác như:
- Ngáy hoặc phát ra tiếng khò khè khi ngủ
- Thở bằng miệng
- Thở to
- Ngừng thở khi ngủ
- Ho hoặc nghẹt thở vào ban đêm
- Thức giấc thường xuyên hoặc bồn chồn
- Đổ mồ hôi nhiều khi ngủ
- Đái dầm
Nguyên nhân của chứng ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ ở trẻ
Ngoài béo phì, các yếu tố nguy cơ khác gây ngưng thở khi ngủ ở trẻ em bao gồm:
- Hội chứng Down.
- Dị tật bẩm sinh ở hộp sọ hoặc mặt.
- Bại não.
- Bệnh hồng cầu hình liềm.
- Bệnh thần kinh cơ.
- Tiền sử sinh nhẹ cân.
- Tiền sử gia đình mắc chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn.
Tương lai bị ảnh hưởng
Giấc ngủ là một chức năng sinh lý, ở các giai đoạn khác nhau của cuộc đời, trải qua những thay đổi đáng kể về chức năng sinh lý thần kinh và hành vi. Tuổi vị thành niên là giai đoạn được đặc trưng bởi một quá trình liên tục thay đổi về thể chất và tâm lý thần kinh cũng như các quá trình tái cấu trúc khớp thần kinh, là cơ sở sinh lý thần kinh của não xảy ra chủ yếu trong khi ngủ.
OSA đã được chứng minh là ảnh hưởng đến chức năng nhận thức ở trẻ em và người lớn. Tuy nhiên, tác động của OSA đến chức năng nhận thức ở trẻ em nghiêm trọng hơn vì tác động lên cấu trúc vỏ não có thể làm thay đổi sự phát triển thần kinh-tâm lý, kỹ năng học tập và tương tác xã hội.
OSA là một rối loạn phổ biến ở trẻ em và những người có nguy cơ phải được xác định và điều trị kịp thời vì OSA không được điều trị có thể là nguyên nhân gây ra các bệnh lý về tim mạch, chuyển hóa sau này. Đôi khi, có thể gây ra những thiếu hụt không thể đảo ngược do trẻ đang trong giai đoạn phát triển về thể chất và thần kinh-tâm lý.
Tuy nhiên, các biến chứng có thể được kiểm soát bằng điều trị.
Chẩn đoán và điều trị
Chẩn đoán
Để chẩn đoán chứng ngưng thở khi ngủ ở trẻ em, bác sĩ sẽ xem xét các triệu chứng, tiền sử bệnh của trẻ và tiến hành khám sức khỏe. Ngoài ra, những xét nghiệm chuyên sâu cũng cần được thực hiện để xác định chính xác mức độ ngưng thở khi ngủ của trẻ:
- Đo đa ký giấc ngủ: xét nghiệm sẽ nghiên cứu giấc ngủ qua đêm của trẻ. Các cảm biến sẽ ghi lại sóng não, kiểu thở, tiếng ngáy, nồng độ oxy, nhịp tim và hoạt động cơ bắp khi trẻ ngủ.
- Đo đa ký hô hấp: là phương pháp ghi lại nồng độ oxy qua đêm và có thể được thực hiện tại nhà. Tuy xét nghiệm này không đưa ra chẩn đoán về chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn nhưng kết quả có thể giúp bác sĩ quyết định xem có cần xét nghiệm thêm chứng ngưng thở khi ngủ hay không.
Điều trị
Điều trị chứng ngưng thở khi ngủ phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh và tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra bệnh. Nếu bị trẻ có VA và/hoặc amadan to, gây cản trở quá trình hít thở thì bác sĩ có thể sẽ chỉ định phẫu thuật cắt amidan nạo VA. Hoặc nếu trẻ có cấu trúc hàm mặt bất thường thì cũng sẽ cần điều chỉnh lại cấu trúc hàm mặt.
Nếu như trẻ không có những đặc điểm trên thì bác sĩ có thể sẽ chỉ định máy thở áp lực dương liên tục (CPAP), máy này giữ cho đường thở thông thoáng bằng cách thổi khí vào mũi qua mặt nạ trong khi ngủ.
Bên cạnh đó sẽ nên cho trẻ kết hợp những phương pháp hỗ trợ khác như giảm cân, bổ sung Oxy đêm để ngăn ngừa tình trạng giảm oxy máu